Liên hệ Đăng nhập || Đăng ký Chào mừng Đăng xuất
Liên hệX Tên liên hệ (*) Email (*)(Vui lòng nhập đúng định dạng Email) Số Điện Thoại (*)(Vui lòng nhập đúng số điện thoại) Nội dung góp ý Mã an toàn Gửi đi Hỗ trợ kỹ thuật: 1900 561 581 Ngoài giờ: 0908295858
Giao diện chợ
Facebook Google Plus Twitter
arrow Kiến thức01:05 12/10/2015

Giá trị của cây cà phê với người Tây Nguyên

Giá trị của cây cà phê với người Tây Nguyên arrow Hỗ trợ đăng bài Nguyễn Trần Mạnh Tuấn
Điện thoại: 0979467943
Email: ls13.mt@gmail.com
Cà phê là một trong những nông sản thuộc cây công nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong sản xuất mỗi năm. Nó cũng góp phần xuất khẩu đi và mang lại thu nhập cho đất nước nói chung và con người Tây Nguyên nói riêng. Nhắc đến Tây Nguyên không thể nào không nói đến "cà phê", cây cà phê - linh hồn của con người Tây Nguyên.

        Tây Nguyên – vùng đất đỏ bazan với cái nắng, cái gió và bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê đã được đi vào thơ – ca – nhạc – họa như một huyền thoại. Đến với Tây Nguyên là đến với xứ sở của cà phê, một đặc sản nổi tiếng ở đây. Nếu như ai đã từng đặt chân đến vùng đất này chắc chắn đã và sẽ được thưởng thức hương vị của cà phê, sẽ được chứng kiến cuộc sống, cảnh vật và con người nơi đây với những nét rất riêng để rồi khi ra về đọng lại trong lòng nhiều ấn tượng khác nhau về vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.

        Đầu tiên, phải nói đến lịch sử ra đời của cây cà phê ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Vào khoảng thập kỉ 70 của thế kỉ XX, trong quá trình đô hộ Việt Nam, người Pháp đã mang cây cà phê vào trồng ở nước ta, bắt đầu từ Quảng Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và sau đó được các chủ đồn điền của Pháp đưa vào trồng ở các tỉnh phía Nam và cuối cùng họ đã phát hiện ra cây cà phê rất phù hợp với vùng đất đỏ bazan màu mỡ ở cao nguyên miền Trung Nam Bộ. Tây Nguyên chúng ta ngày nay bao gồm 5 tỉnh đó là : Gia Lai, Kon Tum, ĐăkLăk, ĐăkNông, Lâm Đồng thì có lẽ mảnh đất ĐăkLăk là nơi mà cây cà phê phát triển với số lượng, sản lượng, và chất lượng hơn cả. Vào năm 1975, cả Tây Nguyên có gần 10.000ha cà phê thì riêng tỉnh ĐăkLăk đã có gần 7000ha, tức là chiếm đến gần 70% diện tích trồng cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 2013 tổng diện tích trồng cà phê của toàn khu vực đã lên đến 539.800ha, trong đó riêng tỉnh ĐăkLăk có diện tích trồng là 201.340ha, chiếm đến hơn 37% diện tích trồng cà phê toàn khu vực. ĐăkLăk trở thành trung tâm sản xuất cà phê của cả nước.

          

Mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại

        Con người vùng Tây Nguyên cũng có rất nhiều nét đặc biệt, chủ vùng đất này xưa kia chính là người dân tộc thiểu số như : Ê-đê, Gia Rai, Ba-Na, Mơ Nông và sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất thì lại là nơi sinh sống của hầu hết các dân tộc anh em. Người dân Tây Nguyên đa phần họ sinh sống và làm ăn bằng việc trồng cà phê. Do đó cà phê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, trên 90% diện tích trồng cà phê của Việt Nam tập trung ở vùng này.

 

        Vì thế khi nói đến giá trị của cây cà phê không phải chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt sinh thái, nhân văn, môi trường,…Với người Tây Nguyên, cây cà phê chính là linh hồn, là nguồn sống của họ. Ngành cà phê nói chung là ngành sử dụng nhiều lao động, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, chẳng hạn đến mùa thu hoạch cà phê thì cần rất nhiều công nhân để hái cho kịp thời vụ, sau đó là công đoạn phơi, sấy khô, xay và bảo quản. Thậm chí, hạt cà phê sau khi đã được làm sạch bằng máy móc nhưng vẫn chưa đủ chất lượng thì cần phải sử dụng sức lao động của con người, đó là dùng tay để nhặt sạch, phân loại. Do đó, giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp cho nền kinh tế, từ thanh niên, phụ nữ đến các em nhỏ đều có thể tham gia lao động phụ cha mẹ trong dịp ngày mùa. Cà phê không chỉ  là cây có giá trị kinh tế cao mà trồng cà phê còn giúp thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái vì cây cà phê thích hợp với đất đồi. Trước đây khi nói tới Tây Nguyên, mọi người sẽ nghĩ đó là vùng đất hoang sơ “khỉ ho cò gáy” và có phần kì bí, bởi nơi đây là hầu hết là người dân tộc bản địa với nét phong tục, tập quán mang tính dân gian bản địa. Hình ảnh những cô gái, chàng trai Ê-đê mặc váy, đóng khố có nước da ngăm đen, thân hình rám nắng đậm chất Tây Nguyên khi đi làm rẫy hay quây quần trên những ngôi nhà dài, nghe già làng kể chuyện, hát khan,…giờ đây đã trở thành biểu tượng đẹp trong lòng mọi người.

                

Mùa vụ cà phê ở Tây Nguyên

        Trong 10 năm trở lại đây, nhờ vào cây cà phê cùng với sự đầu tư của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế­ xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông... Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa nước, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 4 nghìn km, nhiều tuyến đường liên huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa. 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá, phủ sóng phát thanh ­truyền hình và nối mạng thông tin truyền thông; 98% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả. Năm 2011, sau khi điều tra lại hộ nghèo (theo tiêu chí chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011­2015), số hộ nghèo khu vực Tây Nguyên là hơn 260 nghìn hộ thì ngay trong năm, toàn vùng đã xóa được gần 40 nghìn hộ nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44,9% xuống còn 40,5%. Đến nay, Tây Nguyên đã xóa được tình trạng thiếu đói triền miên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đây ta thấy được sự thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên nhờ cây cà phê to lớn tới dường nào.

           

Tây Nguyên đã thay đổi rất nhanh theo năm tháng nhờ vào cây cà phê

        Từ năm 2005 trở lại đây, nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành cà phê nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hoá “Cà phê Buôn Ma Thuột”; tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ 1 năm 2005, lần thứ 2 năm 2008, lần thứ 3 vào năm 2011, lần thứ 4 vào năm 2013 và mới đây nhất là “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ 5 được diễn ra từ ngày 09 – 12/03/2015, Tuần Lễ Văn hoá cà phê tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện lớn của ngành Thương mại Việt Nam 2005 và của ngành Văn hoá Thể Thao và Du lịch năm 2008. Những năm vừa qua lễ hội cà phê đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan du lịch tạo điều kiện phát triển cho ngành du lịch ở ĐăkLăk, bên cạnh đó nó cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cà phê trong và ngoài nước quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê; đồng thời, chất lượng sản phẩm cà phê và kim ngạch xuất khẩu ngày được tăng cao

    

Festival cà phê Buôn Ma Thuột 

        Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp ngày càng được nâng cao chất lượng. Cà phê cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam nói chung và của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, đem lại lợi nhuận kinh  tế vô cùng to lớn. Trong vụ mùa 2013 – 2014, tổng sản lượng cà phê của Việt Nam ước tính khoảng 1.374 nghìn tấn, trong đó sản lượng cà phê của Tây Nguyên ước tính khoảng hơn 1.135 nghìn tấn, chiếm đến hơn 82,6% sản lượng cà phê của Việt Nam, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2013 đạt 1,3 triệu tấn với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD.

        Vào ngày 21 tháng 8 năm 2012, Bộ NN&PTNT đã thông qua Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích cà phê cả nước đạt 500.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.112.910 tấn, mở rộng công suất chế biến lên 125.000 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 khoảng 50.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 2,1-2,2 tỷ USD. Định hướng đến năm 2030: Tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 479.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.122.675 tấn, tiếp tục mở rộng công suất chế biến lên 135.000 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê hòa tan 3 trong 1 khoảng 60.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD. Qua đây, ta thấy được cây cà phê chính là loại cây trồng chủ lực trọng điểm của toàn khu vực Tây Nguyên, đời sống của con người Tây Nguyên phát triển ấm no được như ngày hôm nay chính là nhờ vào sự đóng góp to lớn của cây cà phê.

        Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và khách hàng, vừa nhằm quảng bá sản phẩm cà phê vừa để đem lại thu nhập cho chính mình, người dân Tây Nguyên đã và đang đầu tư xây dựng các quán cà phê với đủ hương vị và phong cách để phục vụ nhu cầu thưởng thức, thư giãn của khách hàng. Còn gì tuyệt vời hơn khi mỗi sáng được uống 1 ly cà phê thơm lừng, nóng hổi thì có thể sẽ mang lại hứng khởi cho ngày mới. Và cây cà phê đã giúp người nông dân Tây Nguyên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Trung Nguyên Coffee        

        Việc phát triển cây cà phê đã góp phần giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập cao cho người nông dân, giúp Việt Nam trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu hàng đầu của thế giới. Trong những năm gần đây và sắp tới, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng.

 

Tin liên quan
123chienluoc.com
Thành viên tích cực: Trang Đài (3530), Thanh Nhã (89), Phamtrang123 (78), Caphetranh (55), thiephong (46) Cập nhật 19/11/2021 08:36
Đang xử lý...
X