Cây cà phê là một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Lần đầu tiên cây cà phê được đưa vào Việt Nam vào năm 1857, giống Arabica được người Pháp mang từ đảo Bourton sang trồng ở phía Bắc sau đó lan ra các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Bố Trạch,… sau thu hoạch chế biến dưới thương hiệu “Arabica du Tonkin”, cà phê được nhập khẩu về Pháp. Sau khi chiếm được nước ta thực dân Pháp thành lập các đồn điền cà phê như Chinê, Xuân Mai, Sơn Tây chúng canh tác theo phương thức du canh du cư nên năng suất thấp giảm từ 400 – 500 kg/ha những năm đầu xuống còn 100 – 150 kg/ha khi càng về sau. Để cải thiện tình hình, Pháp du nhập vào nước ta hai giống mới là cà phê vối (C. robusta) và cà phê mít ( C. mitcharichia) vào năm 1908 để thay thế, các đồn điền mới lại mọc lên ở phía Bắc như ở Hà Tĩnh (1910), Yên Mỹ (1911, Thanh hóa), Nghĩa Đàn (1915, Nghệ An). Thời điểm lớn nhất (1946 – 1966) đạt 13.000 ha. Năm 1925, lần đầu tiên được trồng ở Tây Nguyên, sau giải phóng diện tích cà phê cả nước khoảng 20.000 ha, nhờ sự hộ trợ vốn từ quốc tế, cây cà phê dần được chú trọng, đến năm 1980 diện tích đạt 23.000 ha, xuất khẩu trên 6000 tấn. Bản kế hoạch ban đầu được xây dựng năm 1980 đạt mục tiêu cho ngành cà phê Việt Nam có khoảng 180 nghìn ha với sản lượng 200 nghìn tấn. Sau đó, bản kế hoạch này đã nhiều lần sửa đổi. Các con số cao nhất dừng lại ở mức 350 nghìn ha với sản lượng 450 nghìn tấn (VICOFA,2002).
Trận sương muối năm 1994 ở Brazin đã phá hủy phần lớn diện tích cà phê của nước này, cộng thêm đợt hạn hán kéo dài năm 1997 đã làm nguồn cung trên toàn thế giới giảm mạnh, giá tăng đột biến đã khích lệ mở rộng diện tích cà phê ở Việt Nam, đầu tư kỹ thuật canh tác thâm canh, chuyên canh,… nhờ đó diện tích và sản lượng tăng nhanh, trung bình 23,9%/năm, đưa tổng diện tích cà phê năm 2000 lên đến 516,7 nghìn ha, chiếm 4,14% tổng diện tích cây trồng của Việt Nam, đứng thứ ba chỉ sau hai loại cây lương thực chủ lực là lúa (chiếm 61,4%) và ngô (chiếm 5,7%). Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sản lượng tăng lên trên 20%/năm, năm 2000 Việt Nam có khoảng 520 nghìn ha cà phê tổng sản lượng đạt 800 nghìn tấn.
Cho đến nay sản lượng cà phê cả nước chiếm 8% sản lượng nông nghiệp, chiếm 25% giá trị xuất khẩu và là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới với hai tỉnh có diện tích canh tác lớn nhất là Đăk Lăk và Gia Lai, mang lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho hàng triệu người. Góp phần ổn định kinh tế ở những vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc ít người…
Không những Việt nam nói chung mà năm tỉnh Tây Nguyên nói riêng ( Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng) cà phê đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở đây. Với lợi thế là một vùng đất đỏ Bazan màu mỡ có những ưu thế chung về điều kiện tự nhiên, cao nguyên Buôn Mê Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Chính sự khác biệt đó là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Mê Thuột và nơi đây cũng chính là tâm điểm của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Cà phê Buôn Mê Thuột đã hội tụ được những yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hóa của tỉnh Đăk Lăk. Đây cũng là một biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đăk Lăk nói chung và vùng địa danh Buôn Mê Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.