Cà phê Arabica “ngon số 1 thế giới” vẫn hiện diện tại Đà Lạt nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động
Cà phê Arabica của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa được “ông lớn” Starbucks (Mỹ) công nhận là 1 trong 7 loại cà phê ngon trên thế giới và được bày bán trong hệ thống cửa hàng của tập đoàn này trên toàn cầu. Đây là tín hiệu vui cho cà phê Đà Lạt nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, diện tích của loại cà phê này hiện không còn nhiều, sản lượng hằng năm không đáng kể.
Chưa xứng với tiềm năng
Năm 1875, nhận thấy khu vực Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) với điều kiện thổ nhưỡng, độ cao thích hợp, người Pháp đã đưa giống cà phê Arabica sang trồng.
Cụ Lê Văn Thọ (85 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) nhớ lại: “Cách đây khoảng 60 năm, lúc tôi làm công nhân đồn điền cho người Pháp đã nghe nói đến loại cà phê này. Khi ấy, người Pháp thu hoạch cà phê ở Đà Lạt rồi chế biến tại chỗ, đóng gói gắn nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” chuyển đi phục vụ giới thượng lưu, quý tộc và xuất khẩu sang nhiều nước. Còn với người bình thường thì hầu như không ai được biết đến hương vị loại cà phê ở Cầu Đất này”.
Thu hoạch cà phê Arabica ở Đà Lạt
Trải qua 140 năm, đến nay, loại cà phê “ngon số 1 thế giới” vẫn hiện diện trên vùng đất cao nguyên nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương trước đây, loại cây trồng này cũng không được chú trọng. Theo thống kê, hiện tổng diện tích cà phê ở TP Đà Lạt chỉ còn hơn 3.400 ha (chủ yếu là cà phê Arabica, được phân bố tại 3 xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung) trong tổng số 140.000 ha cà phê của tỉnh.
Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết do hiệu quả kinh tế không cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn cà phê Arabica để trồng loại cây khác. Do vậy, chỉ trong 5 năm, diện tích cà phê Arabica của xã giảm khoảng 300 ha, chỉ còn khoảng 1.000 ha.
Bên cạnh đó, chất lượng cà phê Arabica Đà Lạt hiện không bằng cà phê của các tỉnh khác do khâu chế biến của người trồng đã lỗi thời. Nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt vẫn còn giữ cách làm ủ kín cà phê tươi một thời gian rồi mới đem đi phơi khô và chà bóc vỏ. Theo các chuyên gia, cà phê sau khi thu hái cần được phơi khô ngay trước khi sơ chế thì chất lượng hạt nhân mới bảo đảm. Hơn nữa, hiện đa phần nông hộ sản xuất cà phê ở Đà Lạt còn làm theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, kiến thức thị trường... nên năng lực hạn chế.
“Điều này dẫn đến việc lạm dụng hóa chất, thu hoạch không đúng kỹ thuật, sử dụng giống không bảo đảm, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Những “thói xấu” này đang khiến cà phê của Việt Nam nói chung “bất ổn” trên thị trường thế giới”- một lãnh đạo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhận định.
Đưa cà phê Arabica Đà Lạt vươn xa
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương này đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm biến khu vực Nam Tây Nguyên trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê Arabica ngon nhất thế giới. Trong đó, ngoài việc quy hoạch có định hướng diện tích cà phê Arabica Đà Lạt thì việc xây dựng thương hiệu, công nghệ chế biến sau thu hoạch và ngăn ngừa lạm dụng hóa chất trong sản xuất sẽ được quan tâm hàng đầu.
Xét về mọi mặt, Lâm Đồng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể biến giấc mơ nêu trên thành hiện thực: là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai cả nước - sau Đắk Lắk, là địa phương sở hữu một vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam. Ngoài ra, theo chiến lược phát triển vừa được quy hoạch, cà phê Arabica là loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh...
“Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, địa phương sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê Arabica trong tổng diện tích 140.000 ha cà phê của toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng công tác phổ biến kiến thức, hỗ trợ nông dân hướng tới các quy trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn của thế giới để cà phê Arabica Đà Lạt vươn xa hơn” - ông Phạm S nhấn mạnh.
Sự khác biệt
Ông Nguyễn Xuân Tồn - chủ hãng cà phê Long Triều, chuyên sản xuất, kinh doanh dòng cà phê Arabica Đà Lạt - cho rằng Đà Lạt, nơi có độ cao 1.500-1.600 m so với mực nước biển, được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất phù hợp để trồng giống cà phê Arabica. Vị chua thanh, đắng nhẹ, màu cà phê nâu nhạt, trong trẻo như hổ phách đã tạo nên loại cà phê Arabica Đà Lạt khác biệt so với cà phê ở vùng miền khác. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là quy trình thu hoạch, chế biến lạc hậu cũng như hành vi gian lận, trộn vào các loại cà phê ở nơi khác của thương lái, các nhà máy chế biến nhằm kiếm lợi nhuận đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của cà phê Arabica Đà Lạt
Cà phê Arabica và quảng bá du lịch Việt
Sản phẩm cà phê rang xay Arabica Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chính thức vươn ra thế giới thông qua hệ thống cửa hàng Starbucks (Mỹ) là tin vui với ngành cà phê Việt Nam. Trước đó, tập đoàn chuyên kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới này chỉ chọn 6 địa phương ở Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala làm nhà cung cấp cà phê Arabica.
Nhìn ở góc độ du lịch, “sự kiện” trên còn là cơ hội rất tốt cho Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới. Bởi từ cà phê “Made in Vietnam” ở cửa hàng Starbucks trên toàn cầu sẽ kích thích khách hàng tò mò về quốc gia có hình chữ S.
Thực tế, đây không phải lần đầu chúng ta có những thông tin hấp dẫn để quảng bá về sản phẩm, con người. Hồi tháng 5, hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) bỗng “nổi như cồn” vì vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn, hùng vĩ khiến bất cứ du khách nào cũng choáng ngợp, nhất là sau khi xuất hiện trực tiếp trên sóng của đài truyền hình ABC (Mỹ). Lần đầu tiên, chương trình trực tiếp từ một quốc gia Đông Nam Á nhằm quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên đến 6 triệu thuê bao đăng ký xem trực tiếp tại Mỹ và khoảng 60 triệu người xem qua mạng internet. Qua sự kiện Sơn Đoòng, nhiều ý khiến cho rằng đây là cơ hội quảng bá không thể tốt hơn cho du lịch Việt Nam. Nhưng thực tế, đến nay vẫn chưa có một chiến dịch bài bản, rầm rộ, “đủ đô” để thu hút khách nước ngoài, bằng chứng là lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm hơn một năm qua.
Ngay thời điểm “sốt vì Sơn Đoòng”, các hãng lữ hành đã nêu ý kiến tại sao không mở chiến dịch quảng bá “Việt Nam - điểm đến của hang động” bởi nước ta vốn nổi tiếng với rất nhiều hang động. Ngành du lịch cần một chiến dịch quảng bá dài hơi, bài bản ở nước ngoài. Lâu nay, không phải ngành du lịch không quảng bá nhưng theo nhận xét của những người làm du lịch là “làm chưa tới”. Trong lúc khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm thì ngành du lịch các nước, cụ thể là tổng cục du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Singapore… lại vào tận “sân nhà” để quảng bá rầm rộ với những chiến dịch hấp dẫn, thu hút khách Việt đến nước họ.
Một du khách người Anh than với chúng tôi rằng bạn bè của họ khi tới Việt Nam không biết đi đâu, ăn gì, dùng dịch vụ nào bởi rất khó tìm thông tin trên mạng internet ở nước ngoài, nếu có cũng rất nghèo nàn. Các nước Malaysia, Singapore… không có nhiều danh lam thắng cảnh, các dịch vụ khác cũng không quá đặc biệt hơn Việt Nam nhưng họ biết cách quảng bá, giới thiệu trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế. Khi có nhu cầu, du khách chỉ cần tham khảo là có ngay địa chỉ cần đến.
Gần đây, Chính phủ đã đồng ý thí điểm miễn visa cho một số quốc gia ở Tây Âu nhằm vực dậy lượng khách quốc tế nhưng theo các chuyên gia, sau miễn visa cần phải quảng bá để kéo du khách đến. Ông Atkinson, Trưởng nhóm công tác du lịch thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015, cho rằng du lịch đóng góp khoảng 6% vào tăng trưởng GDP nhưng mỗi năm, Việt Nam chỉ dành khoảng trên dưới 1 triệu USD cho quảng bá du lịch là chưa đủ. Với các nước trong khu vực, họ đón lượng khách nước ngoài rất lớn một phần do chịu đầu tư cho khâu quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch nước mình.
Sau “cơn sốt” Sơn Đoòng, nay đến “sự kiện” cà phê Arabica, liệu tỉnh Lâm Đồng cũng như ngành du lịch Việt Nam sẽ tận dụng được gì để quảng bá về sản phẩm, con người Việt?
Thái Phương
Theo Người lao động