1. Cà phê - cây công nghiệp trọng điểm của Tây Nguyên :
Nhắc tới Tây Nguyên là người ta nghĩ ngay tới những cánh rừng bạt ngàn, những con sông con thác huyền thoại, những ngọn núi hùng vĩ, những người dân hiền lành, chất phác, cũng không thể nào không nhắc tới thế mạnh của Tây Nguyên là những vườn cà phê, vườn tiêu, điều,… bạt ngàn đến vô tận mà không nơi nào có. Đây là 1 sự ưu đãi của tạo hóa dành riêng cho Tây Nguyên mà bất kì chỗ nào cũng phải ghen tị. Những cây cà phê ở Tây Nguyên đã gắn bó với người dân Tây Nguyên từ bao đời nay, đã từ lâu những cây cà phê ở đây đã được họ coi là linh hồn của chính họ. Người nông dân Tây Nguyên nói chung và nông dân ở ĐăkLăk nói riêng đa phần đều có trồng cà phê và cũng chính cây cà phê này là nguồn thu nhập chính, nuôi sống những con người ở đây.
Những năm trở lại đây cuộc sống con người ở Tây Nguyên thay đổi đi rất là nhiều, điện đường đầy đủ đã kéo tới các buôn làng, trường trạm mở ra đã giúp họ đỡ vất vả, đỡ khổ đi rất là nhiều, chính cây cà phê đã mang lại cho họ sự ấm no, đầy đủ, hạnh phúc, con cái được đi học đến nơi đến chốn. Họ thầm cảm ơn cây cà phê đã mang đến cho họ một cuộc sống thoải mái, không còn phải lo cái đói, cái ngèo, cái ăn, cái mặc đeo bám nữa. Nhưng thời kì hoàng kim của cây cà phê đã nhanh chóng qua đi, nhìn lại hiện nay khi giá cả cà phê lên xuống bấp bênh không ổn định như thế này thì cuộc sống của người nông dân bị ảnh hưởng xấu đi rất là nhiều.
Được xác định là cây công nghiệp trọng điểm của Tây Nguyên nhưng trong mấy năm trở lại đây giá cà phê Robusta không ổn định, lên xuống không đều, càng ngày càng có xu hướng giảm qua các năm, cuộc sống ngày càng phát triển đi lên kéo theo đó là cái gì cũng đắt đỏ hơn, tốn kém hơn nhưng nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình thì bấp bênh, liên tục giảm qua từng năm như thế này đã làm cho nhiều hộ nông dân điêu đứng gặp rất nhiều khó khăn về cuộc sống.
2. Giá cả cà phê bấp bênh liên tục qua các năm làm người dân lo lắng :
Ngày trước khi giá cà phê còn có giá với mỗi hecta cà phê những người nông dân có thể thu về được 4 tấn với giá 43.000/kg thì họ thu về được 152triệu/ha. Ngày nay diện tích cà phê đã già cỗi đi rất nhiều năng suất giảm mạnh, bên cạnh đó thì giá cả tụt dốc, tính ra thì bây giờ họ thu chỉ khoảng 110 – 120 triệu/ha là cao rồi.
Qua biểu đồ ở trên ta có thể thấy rõ giá cà phê từ năm 2011 – 2014 có xu hướng tăng nhẹ bắt đầu từ những tháng cuối năm là tháng 11 – 12 cho đến tháng 3 – 4 năm sau. Nhưng giá cà phê từ năm 2011 cho đến năm 2014 có xu hướng giảm cụ thể như trong biểu đồ ta thấy được mùa vụ năm 2011 – 2012 tháng 11 – 12 giá cà phê Robusta vào khoảng gần 43.000đ/kg, cũng trong tháng này ở năm 2012 – 2013 thì giá đã giảm đi chỉ còn chưa tới 42.000đ/kg, đến năm 2013 – 2014 thì chỉ còn có 34.000đ/kg, ở giai đoạn tháng 3 – 4 năm 2011 – 2012 thì giá cà phê gần 44.000đ/kg nhưng cũng tháng này ở năm 2013 – 2014 thì giá chỉ có chưa tới 41.000đ/kg.
Giá cà phê giảm theo từng ngày nhưng chi phí đầu tư cho cây cà phê cụ thể như : phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, công lao động,… thì lại tăng lên qua từng năm, biến đổi khí hậu xảy ra, mưa ít lại, lượng nước tưới ngày càng giảm mạnh, càng ngày càng bị thu hẹp. Ngày trước những mô hình làm giàu nhờ cây cà phê là mô hình mà nhiều người áp dụng và đã rất nhiều người thành công, nhưng hiện tại thì chẳng còn ai dám mơ làm giàu với cây cà phê nữa. Với giá cà phê hiện tại là :
ĐăkLăk 36.300đ/kg
Lâm Đồng 35.700đ/kg
Gia Lai 36.200đ/kg
ĐăkNông 36.500đ/kg
thì người trồng cà phê không có lãi mà chỉ trong tình trạng : thu vừa đủ chi, đấy là không tính công sức bỏ ra. Cùng là những cây công nghiệp như nhau nhưng giá cả của các loại cây như cao su, hồ tiêu đều có xu hướng tăng mạnh nhưng riêng giá cà phê đã không cao lại còn có xu hướng giảm qua từng năm, chính vì vậy mà người nông dân cũng không mặn mà với việc mở rộng diện tích đầu tư chăm sóc cây cà phê nữa.
3. Những nguyên nhân khách quan và chủ quan có thể khiến giá cà phê sụt giảm trong những năm vừa qua:
- Sự cạnh tranh giữa thị trường trong và ngoài nước gây biến động mạnh đến giá cà phê.
- Chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chưa cao (như là hái quả xanh, phơi chưa đủ nắng,…) chưa thể cạnh tranh được với các nước xuất khẩu cà phê mạnh.
- Sản lượng cà phê trên thế giới quá nhiều, đặc biệt là những nước xuất khẩu cà phê mạnh như Brazil, Columbia,….làm cho giá cà phê trong nước giảm.
Người trồng cà phê hiện tại vì quá chán nản trước tình hình hiện nay, họ đã không đủ kiên trì để gắn bó với cây cà phê nữa nên đã có nhiều hộ rút ngắn lại diện tích trồng cà phê hoặc phá bỏ hoàn toàn cây cà phê để chuyển sang trồng các loại cây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn như tiêu, bơ,…. nếu không tính toán kỹ thì hệ lụy mà việc phá bỏ cà phê trồng những giống cây mới này là rất lớn và rất nghiêm trọng.
4. Để Việt Nam giữ vững được vị trí số 1 về ngành cà phê:
Theo bản thân tôi để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê ở ĐăkLăk và góp phần nào đó trong việc làm ổn định giá cả thì các nhà khoa học phải quan tâm, giúp đỡ người trồng cà phê từ khâu hỗ trợ giống cho người dân, cách chăm sóc, cách thu hoạch. Cần có những chương trình tập huấn nâng cao kỹ thuật về nuôi dưỡng và chăm sóc cho cây cà phê sao cho hiệu quả nhất, vì phần lớn người nông dân hiện nay phải tự mày mò, làm theo kinh nghiệm nên tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó cũng phải động viên, giảng dạy sao cho người dân gắn bó với cây cà phê không nên nản lòng quá sớm. Cần có những nhà dự báo để đưa ra những dự báo kịp thời có tính chính xác cao để người nông dân có thể chủ động được trong việc bán buôn cà phê, không bị bị động trước những thay đổi về giá cả thị trường cà phê. Qua đây ta có thể thấy được hiện trạng của cây cà phê như thế nào? Cuộc sống của con người Tây Nguyên sẽ thế nào nếu giá cà phê vẫn tụt dốc ? Họ có đủ kiên trì để theo với nghiệp cà phê suốt đời không ? Cứ như thế này thì liệu VN có còn là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nữa hay không ? Đã đến lúc cần lời giải đáp của những ban ngành, tổ chức lãnh đạo.